Không hiểu sao nhưng đọc xong tác phẩm này mình rất muốn tìm hiểu về tác giả nên đã mò mẫn đọc từ wiki đến các bài báo để hiểu thêm về bà Collen McCullough.

Tác giả McCullough

McCullough sinh năm 1937 tại Wellington, New South Wales cách Sydney khoảng hơn 300km. James Cha bà là người gốc Ailen và Laurie McCullough mẹ bà là người New Zealand gốc Maori (người thổ dân thường có dáng người to, cao và thô). Trong thời thơ ấu của bà, gia đình di chuyển sống vùng này vùng kia khá nhiều.


Cuối cùng gia đình bà định cư ở Sydney nơi bà theo học tại trường Holy Cross, Woollahra, bà yêu thích khoa học và con người. Bà có một người em trai, Carl, đã bị chết đuối ngoài khơi bờ biển Crete, Hy Lạp khi anh 25 tuổi trong khi cố gắng giải cứu khách du lịch gặp khó khăn. Bà và em trai là kiểu người rất ham học và thích đọc sách. Nhưng hồi bé bố mẹ bà luôn luôn ngăn cản cả hai tìm đến sách vở, mẹ bà phàn nàn và muốn con nghỉ học sớm.



Gia đình bà không khá giả nên để tiếp tục học lên đại học và theo đuổi ngành y khoa, bà phải làm nhiều nghề để kiếm sống như giáo viên, thủ thư và viết báo. Trong năm đầu tiên theo học y khoa tại Đại học Sydney, bà phát hiện bị viêm da do dị ứng xà phòng phẫu thuật và phải từ bỏ ước mơ trở thành bác sĩ y khoa. 

Sydney University



Thay vào đó, bà chuyển sang khoa học thần kinh và làm việc tại Bệnh viện Royal North Shore ở Sydney. Năm 1963, Collen chuyển đến Vương quốc Anh 4 năm; tại Bệnh viện Great Ormond Street ở London, bà đã gặp chủ nhiệm khoa thần kinh của Đại học Yale, người đã đề nghị cho bà một công việc liên kết nghiên cứu tại Yale. Bà đã dành 10 năm (tháng 4 năm 1967 đến năm 1976) để nghiên cứu và giảng dạy tại Khoa Thần kinh tại Trường Y Yale ở New Haven, Connecticut, Hoa Kỳ. Khi ở Yale, bà đã viết hai cuốn sách đầu tiên của mình. Một trong số này, The Thorn Birds, đã trở thành sách bán chạy nhất quốc tế và là một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử, với doanh số hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới.

Năm 1977 sau khi phát hiện ra rằng bà được trả lương thấp hơn các đồng nghiệp nam ở đó, bà đã tìm kiếm một nguồn thu nhập khác và trở về Úc để sinh sống kể từ đó. Bà từ chối sống cùng mẹ và đã quyết định sống lâu dài trên một hòn đảo xinh đẹp Norfolk, với dân số khoảng 2.000 người, cách Sydney một nghìn dặm về phía đông bắc.

Đôi nét về bố mẹ của bà

Trong một bài báo của The Guardian, bà chia sẻ cha của bà là một người thợ cắt mía lưu động có tình nhân, là một “kẻ khốn nạn và keo kiệt” và mẹ cô, Laurie, là “kẻ phản trí thức một cách cay đắng”. Khi em trai của bà, Carl, chết vì đau tim khi bơi ngoài khơi đảo Crete, cha của họ từ chối trả tiền để đưa thi thể Carl trở về nhà. Sau khi em trai bà mất, bà có nhận được bức thư được gửi trước khi đi Crete của em và bà nghi ngờ em bà đã tự sát.

Khi được hỏi, sau nhiều năm như vậy bà có tha thứ cho họ không. Bà thành thật rằng “Không, hoàn toàn không!” “Tại sao tôi phải tha thứ cho họ?. Tôi cho rằng những gì họ đã làm là không thể tha thứ và tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ ”.


Tiếng chim hót trong bụi mận gai

Tác phẩm được cho ra mắt độc giả năm 1977 và viết về thời kỳ những năm 1915-1969 của gia đình Cleary sống tại Drogheda, một trại cừu hư cấu ở Vùng hẻo lánh (outback) của Úc được đặt theo tên Drogheda, Ireland.

Truyện xoay quanh mối tình giữa Meggie Cleary con gái duy nhất của gia đình Cleary và vị cha xứ Ralph de Bricassart lớn hơn 20 tuổi. Nhưng tình yêu không phải là chủ đề mình quan tâm nên em chả có cảm nhận gì về cuộc tình này cả. Mình có nhặt nhạnh vài điểm em muốn lưu lại như một ghi chép cho bản thân:

  • Vào những năm 1920 người Úc họ cũng trọng nam khinh nữ, những người đàn ông sẽ là trụ cột gia đình, được coi trọng hơn phụ nữ. Còn các chị em chỉ ở nhà bếp núc, khâu vá, giặt dũ và chăm con. Nếu một cô gái nào đó lấy chồng thì việc tất cả tài sản từ tiền tiết kiệm đến nhà ở đất đai của họ đều chuyển hết sang tên chồng một cách hiển nhiên. Phụ nữ thời xưa của Úc cũng rất cam chịu và nhẫn nhịn y như ông bà, bố mẹ mình ngày xưa. Họ không cãi lại chồng chỉ răm rắp nghe theo, phục tùng và cam chịu. Thể hiện rõ qua vai Fiona, người mẹ của Meggie.
  • Ngày xưa nước Úc không có người nhập cư da vàng, chỉ có người da trắng từ Châu Âu di cư sang. Ngành nông nghiệp chắc cũng là ngành mũi nhọn của Úc lúc bấy giờ khi chỉ có những trang trại nuôi cừu và trồng mía. Do đó nghề chính kiếm ra tiền là nghề cắt lông cừu, chăn cừu và chặt mía để kiếm sống. Họ không muốn người châu Á sang vì sợ mất miếng bánh, do người Châu Á khá chăm chỉ và chịu khó hơn người da trắng.

Mình khá thích tính cách mạnh mẽ và quyết liệt của nhân vật Meggie. Khi biết mình không thể chấp nhận được người chồng hiện tại, cô đã đưa ra quyết định chia tay, nhưng trước đó cô không quên cắt hết các khoản lương của cô mà trước nay chỉ chuyển vào tài khoản chồng. Cô lấy phải người chồng keo kiệt, chi li với cả vợ con, cầm hết tiền của vợ mà ko chi một xu nào cho cô, bắt cô từ một tiểu thư khuê các phải đi làm con ở cho một gia đình trung lưu.

Có mấy đoạn mà Meggie mắng và chê bai Luke trước khi đường ai lấy đi, lời văn hóm hỉnh và rất văn minh

“Anh cho phép em có lời khuyên nhỏ với anh, Luke à. Nó rất có ích sau này nếu anh lấy một người phụ nữ khác, lúc mà anh đã quá già và mệt mỏi để tiếp tục hiến mình cho cây mía. Anh cần biết rằng anh hỗn như một con khỉ. Anh há miệng to quá, anh giống con trăn muốn nuốt chửng những người phụ nữ. Anh làm cho em phát tởm, Luke! Luke tự cao tự đại, anh chẳng ra làm sao cả. Anh là người keo kiệt và hơn thế nữa anh là một thằng ngu hết chỗ nói! Đối xử với vợ và con gái mà còn thua cả đối với con chó. Anh không cần biết đến sự có mặt của vợ con, chứ đừng nói đến những nhu cầu của hai mẹ con. Đồ ích kỷ, đẹp trai mà chẳng ra cái thứ gì, đồ đểu”

Tìm hiểu kỹ về cuộc đời của Collen thì mới thấy rằng bà đã lồng ghép cuộc đời mình vào nhân vật trong tác phẩm rất khéo. Như hình ảnh người cha của bà được thể hiện qua nhân vật Luke chồng của Meggie, người đàn ông làm nghề chặt mía luôn luôn vắng nhà, không ngó ngàng đến vợ con, lại còn chi ly và keo kiệt.

Nếu thời niên thiếu của bà trôi qua nhiều bất hạnh và đắng cay, không có được tình yêu thương của cha mẹ. Cha mẹ bà chửi nhau và đánh lộn suốt ngày. Ông còn thường xuyên nói những lời xỉ vả bà như “mày hãy ra ngoài và kiếm một công việc tay chân ở tiệm giặt là. Đó là tất cả những gì mày có thể làm, mày không bao giờ lấy được chồng, mày quá béo và xấu xí”. Phải bị tổn thương đến mức nào thì cho đến lúc già bà cũng không thể tha thứ cho bố mẹ mình. Trong tác phẩm có rất nhiều đoạn cảm động thể hiện tình yêu thương của Meggie với các con. Mình nghĩ đó chính là mong ước của tác giả cho chính bản thân mình, một đứa con bị thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ.

Trích đoạn Meggie nói với con gái Justine trước ngày cô đi học ở Anh “Nếu một mai con gặp những chuyện buồn phiền, con hãy quay trở về nhà, đừng do dự con nhé. ở Drogheda luôn có chỗ dành cho con; mẹ muốn con nhớ điều đó”. Hay đoạn mà cha Ralph van xin bà mẹ hãy quan tâm đến Meggie hơn một chút, mới thấy bà thèm được yêu thương đến nhường nào.

Trong tác phẩm em trai của Justine là Dane đã bị chết đuối vì cứu 2 du khách ở Crete. Dane chính là hình ảnh em trai của Collen. Justine đã rất dằn vặt và không liên hệ với bất kỳ ai trong 2 năm trời, luôn luôn tự vấn bản thân vì mình mà em trai phải ra đi, vì cô đã từ chối đi nghỉ với em để về gặp người yêu.

Tác phẩm đã thể hiện rõ mong muốn của bà khi ở ngoài đời bố mẹ bà đã từ chối đưa xác em trai từ Hy Lạp về Úc thì trong tác phẩm, bà đã thỏa mãn cái mong muốn đó. Meggie, người mẹ rất yêu thương những đứa con của mình đã làm tất cả để đưa được xác của Dane về yên nghỉ tại quê nhà.

Đọc xong tác phẩm mình mới tìm hiểu về tác giả, mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc đời bà em như nhìn thấy nó hiện hữu đâu đó trong tác phẩm.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here